Bài viết này mình lượm lặt từ đây, note lại để xem
Trong bài trước, tôi đã mang lại cho bạn cái nhìn khá tổng quan về gia đình Linux. Như đã nói, Linux không phải là một hệ điều hành đơn nhất mà là một tập hợp các bản phân phối khác nhau cùng chạy Linux kernel. Việc “sử dụng Linux” thực chất là việc sử dụng một bản phân phối (distribution/distro) cụ thể. Nhưng, theo kinh nghiệm của tôi, thì việc lựa chọn distro để gắn bó không quan trọng bằng việc lựa chọn môi trường desktop (DE – desktop environment).
1. Các Linux distributions:
Ở Việt Nam, chúng ta có không ít các dòng họ, chẳng hạn dòng bọ Bùi, dòng họ Đào, dòng họ Huỳnh/Hoàng. Các Linux distros cũng có thể được hiểu theo cách tương tự. Mỗi Linux distro là một phiên bản hệ điều hành hoàn chỉnh như Windows hay macOS. Điểm chung cơ bản nhất của các distros, chính là việc chạy Linux kernel. Kernel này được phát triển bởi Tổ chức Linux kernel (trang gốc tại https://www.kernel.org/). Khởi thủy, Linux kernel được phát triển bởi Sir. Linus Torvalds (bạn có để ý tên ông ấy không?). Bạn có thể tìm hiểu thêm thông qua việc “google” từ khóa “Linux kernel”. Tóm lại, có thể xem mỗi distro là một biểu hiện hoàn chỉnh của Linux.
Các distros được chia thành nhiều nhánh (branch). Mỗi distro có thể lại là nền cho một distro khác. Có nhiều cách phân loại khác nhau dựa theo góc độ nhìn của người viết. Cá nhân tôi chia thành ba nhánh: Nhánh Debian (DEB hay Deb), Nhánh RedHat Linux Enterprise (RedHat hay RPM), và Nhánh không thuộc 2 nhánh kia. Tôi sẽ trình bày một cách khái quát nhất.
1.1. Nhánh Debian:
Nhóm này, nhìn chung, là dựa trên Debian, bản thân Debian cũng là một distro. Tất cả các distros trong nhóm này đều sử dụng phương thức quản lí gói là dpkg, phương thức cập nhật là apt. Và các tập tin cài đặt ứng dụng chính thức có đuôi là .deb (do vậy, chúng ta có từ DEB). Trong nhóm này, có các thành viên nổi bật là Debian (distro chính mang tính dẫn dắt), Ubuntu (distro phổ biến nhất trong nhóm nói riêng và trong giới Linux nói chung), Linux Mint (lại dựa trên Ubuntu), và Knoppix.
Dự án Debian được chính thức công bố vào năm 1993, bởi Mr. Ian Murdock (1973-2015). Chữ “Debian” xuất phát từ tên vợ ông (DEBra) và tên ông (IAN). Dự án Ubuntu được công bố vào năm 2004 bởi Cannonical, được điều hành bởi Mr. Mark Shuttleworth, một nhà tỉ phú. So với nhóm RedHat bên dưới, nhóm Debian có sự thống nhất cao hơn hẳn, và xét về độ ổn định thì ta có thể coi nhóm này ổn định hơn. Một tập tin .deb có thể được cài đặt trên tất cả các DEB distros mà không cần thay đổi, hoặc nếu có thì cũng không chỉnh sửa nhiều.
1.2. Nhánh RedHat:
Nhóm này, nhìn chung, có xuất phát điểm là từ RedHat Linux Enterprise và bản thân RHEL cũng là 1 distro. Tuy nhiên, nó là 1 distro có tính chất thương mại và hướng tới người dùng doanh nghiệp, còn phiên bản free chính thức của nó và hướng tới người dùng cá nhân là Fedora. Ngoài hai cái tên đó, chúng ta còn có CentOS, Mandriva và OpenSUSE. So với nhóm Debian, nhóm này ít có sự thống nhất hơn. Bởi lẽ, mặc dù cùng sử dụng .rpm (vì vậy chúng còn có tên là các RPM distros) là đuôi tập tin cài đặt ứng dụng chính thức, các distros này sử dụng phương thức quản lí gói và cập nhật khá khác nhau. Trong khi Fedora và RHEL cũng như CentOS (đã gia nhập RHEL) trước đây sử dụng yum và giờ là dnf, thì OpenSUSE lại sử dụng Yast và zypper còn Mandriva lại sử dụng urpmi. Một tập tin .rpm có thể có, nhưng cũng có thể không tương tích với tất cả các distros trong tập hợp RPM này. Nghĩa là, cũng tập tin đó, bạn cài đặt được trên Fedora hay CentOS nhưng có thể OpenSUSE và Mandriva lại “chê” và yêu cầu bạn đóng gói lại.
Fedora chính là distro cộm cán nhất của nhóm này, vì nó là bản phân phối có số lượng người dùng cao thứ hai trong giới Linux sau Ubuntu. Và cha đẻ của Linux, Sir. Linus Torvalds sử dụng distro này chứ không phải Debian hay Arch.
1.3. Nhánh còn lại:
Tôi tạm gom chung các distro còn lại vào nhóm này. Đại diện tiêu biểu của nhóm này là Arch Linux và Gentoo. Thực chất thì ChromeOS của Google dựa trên nền Gentoo. Đặc điểm chung của các distro trong nhóm là chúng không được dựa trên Debian hay RedHat. Một số người cho rằng Arch là bản distro cuối cùng, bởi họ đã từng dùng Ubuntu hay Fedora, và từ khi gặp Arch thì họ quyết định dừng chuyến phiêu lưu mà định cư lâu dài với distro này.
Tuy nhiên, sự hỗ trợ của các lập trình viên đối với nhóm này có thể nói là có phần kém hơn so với các DEB và RPM distros. Chẳng hạn như Google Chrome chỉ chính thức hỗ trợ DEB và RPM mà không đếm xỉa đến các người dùng Arch hay Gentoo. Tất nhiên, cũng có một số cách tùy biến để có thể đem Chrome lên các distros này, nhưng đối với những người mới tiếp xúc với Linux, thì việc thực hiện các thao tác đòi hỏi ngay kinh nghiệm sẽ dễ làm nản lòng họ.
2. Các môi trường desktop (desktop environments – DE):
Ngoài việc được phân chia theo chiều ngang thành những nhán (branch), thì giới Linux còn được phân loại theo chiều dọc, theo các môi trường desktop (desktop environments). Nếu nói mỗi bản phân phối là một biểu hiện cụ thể của Linux, thì mỗi phiên bản phân phối gắn với một DE là một biểu hiện cụ thể của bản phân phối đó.
Bạn có thể thấy các Linux DEs tương tự như các biến thể khác nhau của hệ điều hành Android. Mặc dù cũng là Android, nhưng Android trên máy Nexus ít nhiều khác biệt với Android trên máy Samsung, và khác nữa với Android trên máy LG. Tương tự như vậy, Ubuntu chạy DE là Unity (chính thức) sẽ khác biệt với Ubuntu chạy DE là KDE, MATE hay Xfce hoặc LXDE và gần đây nhất là Budgie. Tuy nhiên, các DEs khả dụng trải dài trên tất cả các bản phân phối. Nghĩa là KDE không phải là DE độc quyền cho Ubuntu, vì cũng có Fedora chạy KDE, tương tự cho OpenSUSE với MATE và Arch với LXDE. Nếu bạn tạo ra một bảng với các hàng đại diện cho các bản phân phối, các cột là các môi trường desktop, thì mỗi ô chính là cái hệ điều hành mà bạn sẽ chuẩn bị cài đặt. Vẫn có một số DE mang tính chất độc quyền, chẳng hạn như Unity trên Ubuntu hay Elementary interface, tuy nhiên, đó chỉ là số ít.
Việc bạn customise (tùy chỉnh) giao diện chính là bạn tùy chỉnh trên DE. Mặc dù các tools được thiết kế dựa trên các distros, nhưng mục tiêu là các DEs trên các distros đó chứ không phải là bản thân cái distro mà bạn dùng. Các GTK+ themes áp dụng trên các DEs dựa trên GNOME bất kể distro nền là cái nào, và các KDE themes cũng vậy. Phần lí thuyết có thể rối rắm, nhưng tôi tin rằng chỉ cần một tuần là các bạn có thể tự hiểu rõ các vấn đề.
Mỗi DE được đặc trưng bởi giao diện desktop (thực chất là bộ quản lí cửa sổ – window manager) và một bộ “sậu” ứng dụng gốc, bao gồm, nhưng không giới hạn ở, trình quản lí tập tin, trình duyệt web, trình biên soạn tập tin mặc định, ứng dụng lịch, và có thể là ứng dụng cửa sổ dòng lệnh (Terminal Emulator). Ngoài KDE ra thì các DEs khác đều ít nhiều dựa trên GNOME hay GTK+, và đương nhiên, bộ ứng dụng gốc của, chẳng hạn Xfce, sẽ dựa trên bộ ứng dụng gốc của GNOME. Thông thường, tên mã của các ứng dụng gốc trong bộ đó dựa trên tên của các loài động vật, chẳng hạn trình quản lí tập tin là Nautilus (GNOME), Dolphin (KDE) hay Thunar (Xfce).
3. Vậy, nên chọn distro và DE nào?
Nhìn chung, mỗi distro đều có những ưu điểm cũng như hạn chế khác nhau, và tùy theo nhu cầu vào từng thời điểm cụ thể, mà bạn có thể “kết” distro A và DE P vào lúc này nhưng sẽ cố thủ với distro B và DE Q vào một thời điểm khác trong tương lai. Thực sự, hướng phát triển của Linux không phải là sự thỏa mãn người dùng một cách toàn diện, một mặt là vì đã có quá nhiều bản phân phối khác nhau, và mỗi bản phân phối lại được biểu hiện dưới các môi trường desktop khác nhau, chưa kể đến các phiên bản phát hành (versions) nữa, mặt khác, tiêu chí của Linux luôn là sự cơ bản, việc tối ưu hóa cho nhu cầu của bạn là do bạn đảm nhận chứ các tổ chức phát triển Linux không cố gắng nhồi nhét hàng hà sa số thứ vào sản phẩm của mình mà không thèm quan tâm tới người dùng… oh-ho-hen – tôi đang ám chỉ đến “sốp”. Đoàn quân của bác Bill Gates liên tục phát hành nhiều bản cập nhật lớn cho Windows, ví dụ gần đây là Creators Update cho Windows 10. Tất nhiên, đó là một bản cập nhật tuyệt vời với những công cụ hết sức hay ho mà không ít người dùng Linux và Mac ít nhiều thèm thuồng chảy dãi đến ướt cả bàn phím. Tuy nhiên, các người dùng Windows 10 không hoặc chưa cần tới lại có thể phải tải nó về và để đó trưng bày cho vui vì đơn giản, vì đó là một bản cập nhật lớn, hoặc chí ít nó cũng đi kèm với các sửa lỗi bảo mật rất quan trọng.
Nếu bạn đã sẵn sàng để thử qua Linux để tìm hiểu hoặc chí ít là để coi mặt mũi nó ra sao mà ông này (tức là tôi) cứ nói đi nói lại mãi, và bạn thật sự sẵn sàng, thì tôi khuyên bạn nên bắt đầu với hai bản phân phối phổ biến nhất: Ubuntu và Fedora. Với Fedora, các biểu hiện của nó đối với các DEs được gọi là spins và không mang tính độc lập đối với dự án Fedora (gốc). Tuy nhiên, với Ubuntu thì các biểu hiện này được đưa lên mức ngang tầm với chính Ubuntu gốc (tức Ubuntu với Unity và bản thân Unity dựa trên GNOME), và mỗi biểu hiện đó có các tên gọi riêng, có trang web riêng hẵng hoi. Đó là Kubuntu (Ubuntu + KDE), Lubuntu (Ubuntu + LXDE), Xubuntu (Ubuntu + Xfce), Ubuntu GNOME và Ubuntu Budgie (cái tên nói lên tất cả). Cũng xin báo trước là giao diện cái nào, theo mặc định, cũng xấu cả, tôi không chối cũng như bào chữa cho họ. Tuy nhiên, sau khi cá nhân hóa tất cả rồi, thì không chừng Windows 10 hào nhoáng lung linh cũng có thể không vừa mắt bạn được. Không tin ư?
Sẽ là một thiếu sót nếu tôi không chia sẻ trải nghiệm của mình. Thực tế thì tôi đã thử và sử dụng nhiều distros khác nhau, kể cả Arch và sắp tới có thể là Gentoo để “cho biết”, cũng như các DEs khác nhau, nhưng loại trừ Budgie ra vì đó là cái tôi sẽ thử trong thời gian sắp tới. Dưới đây là ý kiến cá nhân của tôi, và mọi câu chữ dưới đây chỉ là tham khảo.
Dù tôi có đi ngược về xuôi, bôn ba sang distro nào thì cuối cùng vẫn quay về với Ubuntu (Unity) hoặc nếu kẹt lắm do phần cứng thì chỉ chịu trận với Fedora chứ ngoài ra thì không có distro nào khác làm tôi tuyệt giao được với sản phẩm của Cannonical Ltd. Mặc dù Elementary có giao diện Pantheon tuyệt đẹp cũng như nó dựa trên Ubuntu nhưng chưa đủ để tôi gắn bó dài lâu. Đối với Fedora, tôi thích cách họ hỗ trợ phần mềm, khi họ luôn cố gắng đưa những thứ mới nhất, chẳng hạn như phiên bản kernel mới nhất, vào các phiên bản vẫn còn nằm trong thời hạn hỗ trợ, cũng như việc “buộc” người dùng nâng cấp lên phiên bản Fedora mới nhất. Tuy nhiên, đó cũng có thể là con dao hai lưỡi, một là hệ thống sẽ tương đối kém ổn định, và đối với các nhà sản xuất phần cứng, tốc độ update cao có thể gây khó khăn cho họ trong việc làm driver, dễ dẫn đến tình trạng xung đột cho những người dùng cần cả độ ổn định và driver chính thức từ AMD hay Nvidia… Thứ hai, việc cố gắng bám sát chuẩn mực chung của Linux khiến tôi phải bỏ ra khá nhiều thời gian để đưa Fedora vào guồng hoạt động theo ý mình, điều mà tự thân Ubuntu đã làm khá tốt, chẳng hạn như việc chỉnh font rendering trên Chrome. Điều tiếp theo, mà tôi ước các nhà lập trình tại Cannonical có thể học hỏi ở Fedora là việc tổ chức Terminal. Terminal trên Fedora xuất các output rất chuyên nghiệp và dễ nhìn hơn so với đám rừng của Ubuntu Terminal. Tôi nghĩ các bạn sẽ vô cùng thích thú khi sử dụng dòng lệnh trên Fedora vì mọi thứ rất tuyệt vời và bạn sẽ có cảm giác “feel like a boss”. Nhưng đó là chưa đủ để bù đắp các điểm khác mà tôi sẽ không tiếp tục nói ở đây.
Và tôi thực sự chân thành khuyên các bạn nên để dành KDE cho vị trí cuối cùng trong danh sách các DEs mà bạn muốn thử, bởi lẽ cá nhân tôi đã bỏ cuộc trong việc làm đẹp cho KDE, mặc dù gần đây thì Mr. Matthew Moore có hướng dẫn các cách xử lí của anh ấy nhưng nếu đem so với các DEs khác về mặt thơi gian thì hoàn toàn không đáng chút nào. Có thể, bạn sẽ làm tốt hơn tôi và quay lại đây, EITGUIDE, mà hướng dẫn ngược cho tôi?
Còn riêng về OpenSUSE và Mandriva (có thể là Gentoo nữa), thì tốt hơn hết bạn đừng nên làm dị nhân mà cài ngay lên máy thực, bởi một là tỉ lệ người dùng OpenSUSE và Mandriva ở Việt Nam là hết sức nhỏ bé (tôi không biết có phải là 0 hay không nhưng tôi tạm nói tránh) và hai là bản thân OpenSUSE khá phức tạp, đối với người dùng chân ướt chân ráo thì hơi khó xơi. Lời khuyên của tôi, sau khi đã thử nghiệm rồi, là bạn chỉ nên thử nghiệm thôi chứ không nên quyết định đồng hành với nó.
Tốt nhất, các bạn nên cài thử lên máy ảo nếu máy tính bạn mạnh, hoặc thử dạng live session trên máy thật để trải nghiệm thử cho biết, rồi hẵng quyết định là nên cài luôn cái này hay thử tiếp cái khác. Đừng nên vội vàng mà cài lên máy thật để tránh những mất mát, hỏng hóc đáng tiếc do bạn chưa chuẩn bị sẵn những kiến thức cần thiết, mà tôi sẽ trình bày một phần trong bài viết sắp tới. Kinh nghiệm của tôi cho thấy, có khi distro không quan trọng bằng DE, vì DE chính là cái trước mắt của bạn. Do đó, trước khi quyết định chia tay với 1 distro, hãy chắc chắn bạn đã thử hết cách làm đẹp cho DE đó và bạn gút bai là gút bai với cả cái distro chứ không phải chỉ vì DE.
Thanks tác giả!^^
Warning: Undefined variable $comments_number in /shared/webdir2/dothanhlong.org/wp-content/themes/business-hub/comments.php on line 35
Warning: Undefined variable $comments_number in /shared/webdir2/dothanhlong.org/wp-content/themes/business-hub/comments.php on line 39
0 thoughts on “Một số khái niệm về Linux Distro và Desktop environment (DE) của chúng”